Rau lang không chỉ được biết đến bởi là một loại thực phẩm ngon, rau lang còn được "chuộng" bởi những tác dụng chữa bệnh vô cùng tuyệt vời. Rau khoai lang là thứ rau dân dã trước đây chỉ dành cho nhà nghèo. Ngày nay, người ta đã "phát hiện" ra rằng thứ rau này cũng rất ngon và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, nhuận tràng, ích sữa, dùng chữa tỳ hư, kém ăn.
Tuy nhiên, nhiều người chưa biết, ở một số nước như châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản... rau khoai lang không còn là loại rau dân dã mà đã trở thành một loại thực phẩm cao cấp có mặt trong những nhà hàng sang trọng.
Sở dĩ có vị trí này là vì người ta phát hiện ra rau khoai lang là một loại thực phẩm bổ dưỡng hơn nhiều lần so với những gì người ta vẫn nghĩ về loại rau này.
Trong y học cổ truyền, rau khoai lang đã được coi là một vị thuốc với nhiều tên gọi khác nhau như cam thử, phiên chử, là một loại rau có tính bình, vị ngột, ích khí hư...
Rau khoai lang không độc, tư thận âm, chữa tỳ hư, tác dụng bồi bổ sức khỏe, thanh can, lợi mật, giúp tăng cường thị lực, chữa bệnh vàng da, phụ nữ kinh nguyệt không đều, nam giới di tinh...
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng dinh dưỡng trong rau khoai lang còn tốt hơn trong củ khoai lang rất nhiều. Ví dụ: Vitamin B6 trong lá khoai lang cao gấp 3 lần trong củ khoai, vitamin C cao gấp 5 lần, viboflavin cao gấp 10 lần.
Để làm một phép so sánh thì dinh dưỡng trong lá khoai lang tương đương với một loại "siêu" thực phẩm là rau chân vịt, nhưng lượng axit axalic trong rau khoai lang ít hơn rất nhiều lần so với rau chân vịt, vì thế nguy cơ gây bệnh sỏi thận của rau khoai lang cũng ít hơn.
Ăn đọt rau lang xào tỏi rất tốt cho tiêu hóa. Cả củ và rau lang đều nhuận tràng, ăn nhiều trị được táo bón. Phụ nữ sau khi sinh có thể dùng ngọn hay lá rau lang nấu canh hoặc luộc ăn cho thêm sữa. Rau lang còn được phơi khô để làm thuốc nhuận tràng, không có độc tố và không có tác dụng phụ. Đặc biệt trong rau lang có chứa một loại dưỡng chất rất tốt cho người bị bệnh đái tháo đường.
Món ăn bài thuốc có rau lang
- Chữa yếu sinh lý: nam giới có thể bổ sung sức khỏe với món rau lang xào tỏi chung với hành tây, tôm hoặc thịt bò, thịt gà đều tốt. Mỗi tuần ăn 2 lần.
- Chữa táo bón: nấu canh rau lang với một ít dầu ăn hàng tuần, cũng có thể luộc ngọn khoai, trộn với nước chấm, ăn đều mỗi ngày khoảng một chén hoặc ăn rau lang tươi xào dầu vừng. Nấu canh rau lang.
- Phòng chống béo phì: có thể ăn củ và rau lang luộc. Áp dụng chế độ nửa gạo, nửa khoai, hoặc độn chung với nhau nấu thành cơm, cháo, bánh.
- Chữa cảm sốt mùa nóng: nấu rau lang với cải bẹ xanh ăn thay cơm để giúp ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm. Hoặc rau lang khô một nắm, nghệ một củ, dấm 1/2 chén con, sắc uống nóng. Hoặc lấy rau lang tươi luộc chín để xông, rồi ăn khoai nóng, uống nước luộc khoai nóng cho ra mồ hôi.
- Chữa trĩ: dùng nước cốt luộc khoai tươi hay khô, nếu bị trĩ thì uống nước cốt này vào buổi sáng liên tục trong 2-3 tuần.
- Mắt kém: lấy lá khoai lang non xào gan gà hoặc gan lợn.
- Thiếu sữa: lá rau lang tươi non 250g, thịt lợn 200g thái chỉ xào chín mềm, thêm gia vị, hoặc luộc ăn.
- Đau lưng mỏi gối: lấy rau lang tươi non 30g, mai rùa 30g, sắc kỹ lấy nước uống.
- Chữa ngộ độc khoai mì: lấy khoai lang gọt vỏ giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt. Uống cách nhau ½ giờ.
- Phụ nữ băng huyết: lá rau lang tươi một nắm giã nát, lấy nước cốt uống.
- Chữa mụt nhọt: khoai lang 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt.
- Hút mủ nhọt đã vỡ: lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.
Những điểm cần chú ý khi sử dụng rau lang
- Người tiêu chảy, viêm dạ dày do thừa dịch vị, đường huyết thấp không nên ăn khoai lang và rau lang.
- Người bị sỏi thận không nên ăn thường xuyên mỗi ngày vì sẽ làm sỏi mau lớn hơn do rau lang có chứa các tinh thể calci.
- Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi bụng đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm ợ chua, sình hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng.
- Bảo quản khoai ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không có chuột bọ và chỉ nên dùng trong vòng một tuần.
- Phải bỏ hết khoai sùng, khoai đã mọc mầm và vỏ xanh chứa chất độc.
- Khi luộc rau lang để ăn và uống nước rau lang chữa bệnh, nên lấy nước thứ hai vì nước thứ nhất thường chát và hăng, nên loại bỏ cọng thân già, chọn những lá gần ngọn xanh tốt.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau lang siêu đọt tại nhà
Dây lang giống.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà để trồng rau lang. Lưu ý, những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước.
Đất trồng
Rau lang rất dễ sống và có thể phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá, phân trùn quế…
Giống rau lang
Rau lang có thể được trồng bằng phương pháp giâm cành dây lang hoặc từ củ khoai lang. Tuy nhiên, phổ biến và thuận tiện nhất thì chúng ta nên trồng bằng dây lang già. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị những đoạn thân dây rau lang già nhưng chưa ra rễ và hoa, thẳng đẹp, khỏe mạnh, có từ 5-6 mắt thân, 3-4 lá ngọn, độ dài khoảng 25-30cm.
Nếu muốn trồng rau lang từ củ thì bạn có thể chọn những củ khoai già, không bị sâu bệnh để nơi có độ ẩm, đến khi nào củ mọc mầm thì đem giâm vào đất.
Loại rau này rất dễ trồng và chăm sóc.
2. Trồng rau lang
Tạo hố giâm cành dây lang vào đất với độ nghiêng khoảng 45 độ, lấp đất sâu cho chặt gốc. Để lại 2-3 đốt và 3 lá ngọn phía trên mặt đất để cây mọc nhánh.
Trồng khoai lang lấy lá, ngọn thì khoảng cách trồng sẽ dày hơn trồng khoai lang lấy củ. Khoảng cách trồng mỗi dây cách nhau từ 10-15cm.
Sau khi trồng thì tưới nước và có thể độn rơm rạ, phân hữu cơ xanh hoặc phân chuồng giữa luống để giữ ẩm cho đất và tạo độ râm mát cho dây lang hồi sức.
Những món ăn từ rau lang rất tốt cho sức khỏe.
3. Chăm sóc
Rau lang dễ sống và mọc nhanh. Chỉ sau 2-3 ngày giâm cành thì dây lang sẽ mọc rễ. Nên tưới nước thường xuyên cho rau vào mùa khô còn vào mùa mưa thì nên chú ý làm rãnh thoát nước và che phủ để hạn chế rau bị ngập úng gây hư thối.
Sau khi trồng rau lang được khoảng 20-25 ngày thì tiến hành bón thúc đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân gà, phân trùn quế… Cứ khoảng 20 ngày thì tiến hành bón đợt tiếp theo.
Rau lang bắt đầu cho thu hoạch.
4. Thu hoạch
Rau lang sau khi trồng được 30 ngày thì có thể cho thu hoạch lấy lá và ngọn. Cắt ngọn rau dài từ 20-25cm và bón thúc để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây mọc lá và nhánh mới.